Lạy Phật


Thiểu dục tri túc

Bắt đầu bởi Minh Ngân, 14/03/2015, 22:59

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

Minh Ngân

Mọi khủng hoảng, chết chóc, khổ đau cũng như hàng bao điều xấu xa tồi tệ nhất trên địa cầu này sẽ ngày một lớn mạnh và lan tràn thêm nếu quyền lực độc tài gắn kết với tham lam và dục vọng tột độ của con người chưa đến hồi dừng lại. Đạo đức sẽ biến mất, tội ác sẽ đầy dẫy, thế giới sẽ lụi tàn, nhân tính sẽ băng hoại.

Như một ước muốn chung gắn liền với bao khát vọng muôn thuở, ai trên cuộc đời này cũng mong mỏi tìm kiếm cho mình một cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, trong cuối thập niên XX và những năm đầu của kỷ nguyên mới, có một tư trào quan niệm về hạnh phúc xuất hiện rầm rộ với nhiều nhận thức và định hướng khác nhau. Dù tồn tại dưới dạng thức nào, song chúng cũng đều có một điểm chung là khá mê mờ và lệch lạc.

Theo nhận định của các nhà đạo học phương Đông truyền thống, thứ hạnh phúc xa vời mà con người thế kỷ này quan niệm, chỉ tạo thêm chất xúc tác khiến họ đắm chìm triền miên trong dục lạc vô minh. Đời sống hiện tại tuy được trang bị đầy đủ vật chất tiện nghi, nhưng hệ quả sau cùng là tâm thức con người sẽ mê mờ, đạo đức nhân cách dần tha hóa.

Trước thực trạng đó, những người có lương tâm hay những nhà đạo đức học ráo riết đi tìm giải pháp. Những ý kiến được đề xuất, nhiều giả định đáng quan tâm. Song, vượt trên những liệu pháp hiện thời, quan điểm "thiểu dục tri túc" của nhà Phật nêu ra thật sự đang được các nhà đạo học lưu ý. Tìm hiểu về chúng quả là vấn đề không dễ, bởi đó là quan niệm kết tinh từ kinh nghiệm sống với bề dày tư duy tu tập và trải nghiệm của tiền nhân. Rất mong, bài viết sẽ cung cấp cho học giới một cái nhìn căn bản, một cách tiếp cận ban sơ như một gợi ý cho những nghiên cứu chuyên sâu và bao quát sau này. Cuối cùng, giá trị thực tiễn của chúng bao giờ cũng đáng để chúng ta quan tâm ứng dụng.

Một định nghĩa đơn giản, "thiểu dục" là "ít muốn", "tri túc" là "biết đủ". "Thiểu dục tri túc" là ít muốn biết đủ. Nó còn được hiểu là trạng thái giảm thiểu dục vọng và biết đủ. Tuy nhiên, thiểu dục tri túc không hẳn là sự cam chịu và chấp nhận mọi thứ một cách miễn cưỡng. Cần xác tín một cách cụ thể và chắc chắn rằng chúng là hai phạm trù tương quan khăng khít; là sự chấp nhận, bằng an với những gì hiện có, không tiếc nuối với cái đã qua và cũng chẳng mong cầu những gì chưa tới.


Báo chí và các phương tiện truyền thông hằng ngày đưa tin liên tục, thế giới đang rối loạn và đảo điên bởi khủng bố, chiến tranh, bạo động và thù hằn. Phải chăng đó là hậu quả của những tham vọng ngất trời, những ham muốn vô biên không giới hạn? Như một ván cờ chưa đến hồi ngã ngũ, các quốc gia luôn muốn thôn tính và bành trướng thuộc địa lẫn nhau.

Sự đối đầu hiểm nguy với những phẫn nộ, hận thù luôn là tác nhân dẫn đến chiến tranh và xung đột. Vũ khí hạt nhân, chiến hạm, không quân, hóa chất độc hại liên tục xuất hiện kéo theo chết chóc, tang thương như là hệ quả sau cùng của những phản kháng và tiên chiến. Tất cả điều đó chỉ gieo rắc khổ đau và thù hận, hoàn toàn không có chỗ cho những hạnh phúc, an bình. Chỉ vì tham dục quá mức của con người, hạnh phúc có lẽ đã vĩnh viễn vắng bóng.

Thực tập lối sống thiểu dục tri túc, bạn sẽ cảm nghiệm hạnh phúc hiện diện rất gần. Hạnh phúc chẳng phải mơ mộng êm đềm như thiên đường nơi miền đất hứa, nó tồn tại ngay đây và có mặt trong giờ phút này. Nếu biết quay lại chính mình, kiểm soát thân tâm và làm chủ thực tại, hạnh phúc lập tức kề cận. Trong cuộc sống, đôi khi những cái vĩ đại nhất lại là những gì bình thường nhất.

Bằng lòng với hiện tại không có nghĩa là nhu nhược yếu hèn, không hồi tưởng quá khứ, không hoài vọng tương lai. Nếu thế, chẳng lẽ hậu nhân lãng quên tổ tiên, nguồn cội; sự sống không bắt đầu từ những nỗ lực toan tính hôm nay? Nếu hiểu thiểu dục tri túc theo tinh thần đó thì quả là tiêu cực.


Cần hiểu rằng hồi tưởng quá khứ hay hoài vọng tương lai được xem như tiền đề cho quan niệm "ôn cố tri tân" (ôn cũ biết mới). Song không phải lúc nào chúng ta cũng đắm chìm trong những hồi tưởng hay hoài vọng đó. Hồi tưởng hôm qua để kinh nghiệm hôm nay, hoài vọng tương lai để biết phấn đấu cho hiện tại.

Mục đích tối hậu của kiếp người cũng chỉ hướng đến một mục đích sau cùng, nơi mà hạnh phúc bình an sẽ tồn tại vĩnh cửu. Bến bờ hạnh phúc có thể đến với người này nhưng chưa hẳn đến với người kia, nhưng khát vọng tìm kiếm chúng luôn là bất tử.

Có đúng chăng khi tạm kết luận rằng, biết sống thiểu dục tri túc, bạn sẽ nhanh chóng thiết lập cho mình một đời sống an lạc, thanh bình; mọi đau khổ bất an sẽ nhường chỗ cho những hiện hữu thực tại.

Mọi khủng hoảng, chết chóc, khổ đau cũng như hàng bao điều xấu xa tồi tệ nhất trên địa cầu này sẽ ngày một lớn mạnh và lan tràn thêm nếu quyền lực độc tài gắn kết với tham lam và dục vọng tột độ của con người chưa đến hồi dừng lại. Đạo đức sẽ biến mất, tội ác sẽ đầy dẫy, thế giới sẽ lụi tàn, nhân tính sẽ băng hoại.

Nếu thế, đó sẽ là chuỗi ngày đau buồn và tăm tối nhất trong lịch sử nhân loại. Do vậy, ngay lúc này đây, cũng như tự thể, chúng ta sẽ đánh thức đạo đức lương tri và các giá trị nhân bản của cộng đồng, cùng nắm tay nhau và nguyện đem hết sức mình phụng sự trong công cuộc cải đổi thế giới.

Lý tưởng đấy nhưng có lẽ là quá lớn! Hiện tại, chỉ cần bạn và tôi biết sống đời thiểu dục tri túc, chúng ta cũng đã đóng góp phần nào cho sự bình an và hạnh phúc cho thế giới hôm nay...

Thích Tâm Tiến - phattuvietnam.net

Từ khóa: Thiểu dục Tri túc