Lạy Phật


Suy ngẫm về thành công và danh vọng

Bắt đầu bởi Minh Ánh, 06/03/2015, 22:59

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

Minh Ánh

Sống trong môi trường văn hóa lúc nào cũng ca tụng, quảng bá thành công cùng danh vọng, đồng thời xem đó như là một công thức mẫu mực, được đặt lên trên tất cả mọi giá trị đạo đức và tình người, chúng ta sẽ dễ bị 'đầu độc' bởi những ý tưởng phải vươn lên để vượt trội hơn người, bằng bất cứ giá nào, dù phải hy sinh bản thân. Bởi thông thường trong đời sống ai cũng đều thích mình có tiếng tăm danh vọng, vì càng có danh vọng thì sẽ có nhiều cơ hội để làm giàu, thoải mái tiêu xài.

Chúng ta cật lực làm việc chỉ để mong mỏi có ngày được bước lên đài danh vọng. Lúc đó, mình sẽ thật hạnh phúc và thỏa lòng. Tất nhiên, không có gì sai trái nếu như mình biết đem tiếng tăm của mình để cứu giúp và phụng sự nhân sinh. Tuy nhiên, số người thành công và nổi tiếng thì ít mà người không thành công và ít tiếng tăm thì rất nhiều, vì thành công trong sự nghiệp và có tiếng tăm đòi hỏi nhiều công phu và giúp đỡ của bao nhiêu người, bao nhiêu hoàn cảnh, tình thế thuận lợi v.v...

Nhưng đôi khi chúng ta quên rằng người có tiếng tăm không tự mình họ có thể làm được mà phải cần đến những người khác giúp đỡ, những người đằng sau 'hậu trường'.  Như chúng ta xem một màn cải lương, nhạc, kịch sân khấu..., chúng ta chỉ thấy người đào và kép hát, hay những ca sĩ xuất hiện trước công chúng mà quên rằng để cho buổi diễn được thành công vượt bực, có biết bao nhiêu người như là đạo diễn, người viết kịch bản, nhạc công, người dàn dựng sân khấu, âm thanh ánh sáng v.v..., đã đóng góp không biết bao nhiêu công sức của họ. Người gặt hái những thành công này là những người xuất hiện trước quần chúng. Riêng những người đàng sau hậu trường thì ít ai biết đến.


Bạn "không có tiếng nhưng có miếng" vì sự thành công của một ai đó, một chương trình, một công ty, một xã hội hoặc một quốc gia đều có phần đóng góp của bạn, và của những người khác, cũng không có tiếng tăm như bạn. Như một chương trình trình diễn trên sân khấu thành công, dù không nêu ra, chúng ta ai cũng hiểu là có sự đóng góp của các thành viên sau cánh gà. Không ai biết họ là ai cả, nhưng thiếu họ sẽ khó thành công!

Trong đời sống thực cũng vậy, mình chỉ nhìn thấy người này thành công, người nọ nổi tiếng. Nhưng mấy ai hiểu cho rằng thành công hay nổi tiếng của người kia là có một phần đóng góp, giúp đỡ của những người đứng đằng sau phụ tá. Đương nhiên, nếu chúng ta hài lòng với cái vai phụ mà mình đang làm, và sẵn sàng nhường những tiếng tăm cho người vai chính, thì không có chuyện gì để nói nữa! Đằng này, đa số chúng ta không tự lượng sức mình. Lúc nào cũng muốn mình lên vai chính để được mọi người biết đến nên đã không quản ngại, bỏ công xây đắp, để một ngày nào đó, mình sẽ được chọn vào vai chính. Câu hỏi đặt ra là: Liệu mình có diễn thành công vai chính của mình, hay lại chật vật, loay hoay, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác? Rồi suốt đời mình vất vả, khổ đau, phiền não vì những thất bại đó?

Nhiều khi, có tiếng tăm, danh vọng hay thành công lại mang đến cho bạn nhiều đau khổ và phiền não hơn bạn tưởng. Tôi có một người bạn làm phó giám đốc của một hãng nọ. Nhưng cô ta không hài lòng với vị trí của mình. Cô muốn vươn lên để cảm thấy mình thành công hơn. Sau vài năm phấn đấu, cô được thăng chức giám đốc của hãng. Cô ta rất vui sướng và thích thú. Khi xưa còn làm phó, cô có thể đi làm muộn một chút vì phải đưa đón các con đi học; và thậm chí, có lúc ngồi ăn sáng với chồng con trước khi đi làm. Nhưng sau khi được lên chức, ngày nào cô cũng phải vào sớm và ra về rất trễ nên con cái đành phải giao cho mẹ hay cha cô giúp đưa đón giùm. Đừng nói chi tới chuyện ăn sáng chung với gia đình. Hiện tại, dù lương bổng cao nhưng cô rất mệt vì nhiều trách nhiệm và căng thẳng. Gia đình rất khuyến khích cô cố gắng nhưng hầu như, cô không còn những ngày vui như trước. Cô ăn không ngon và cũng ngủ ít đi nhiều!

Có thể bạn sẽ không nhận được những lời khen thưởng, ca tụng hay cảm ơn về những thành công của một việc gì đó mà bạn đóng góp rất nhiều công sức. Nhưng đổi lại, bạn có sự an lạc và mãn nguyện về công việc mình làm. Và bạn biết chắc rằng, nếu không có bạn thì công việc đó sẽ không bao giờ thành công được như vậy!  Như những chú kiến thợ trong một tổ kiến, chúng âm thầm khuân vác, gầy dựng, nuôi dưỡng, và bồi bổ cho tổ kiến càng ngày càng được bền chắc và ổn định nhưng không bao giờ phàn nàn đấu đá nhau vì chúng "biết rõ" là nếu không có sự đóng góp của cả đàn cho một mục đích chung thì làm gì có tổ kiến này!...

Cho nên, Phật dạy về thiểu dục, tri túc không phải bảo chúng ta phải dẹp bỏ mọi ước mơ, mong muốn mà Ngài muốn chúng ta hiểu rằng khi nào biết dừng lại đúng lúc sẽ giữ được hạnh phúc cho mình bền lâu. Bằng không, chúng ta sẽ bị lạc bước sa đà vào con đường danh lợi, bạc tiền mà phần nhiều chỉ mang đến phiền muộn, khổ đau.

Thiện Ý - Theo Giác Ngộ Online
I'm Happy!
Có nhiều đóng góp tích cực cho trang web

Từ khóa: