Lạy Phật


Những điều kiện cần cho một hành giả tu thiền

Bắt đầu bởi Minh Hạnh, 06/07/2014, 16:54

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

Minh Hạnh

06/07/2014, 16:54 Sửa lần cuối: 06/07/2014, 19:52 bởi Kungfu
Trong đời sống thế tục, muốn tinh thông một nghề, người ta phải tốn công sức và thời gian học hỏi, thực tập; sau đó còn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để ngày càng thăng tiến trong nghề nghiệp. Người tu càng hơn thế nữa, muốn thành Phật tác Tổ đâu phải một sớm một chiều, đâu phải chỉ nghe hiểu đôi điều, công phu một thời gian đã tự cho mình chứng đắc. Nhất là đối với Thiền Đốn ngộ, có người đọc Thiền sử thấy các Ngài dễ dàng đại ngộ, cứ tưởng mình cũng "một nhảy vào liền đất Như Lai". Trong thời đại văn minh khoa học mà tri thức cũng được xem như một ngành kinh tế, mọi vấn đề đều phải được phân tích giảng giải rõ ràng, nên yếu chỉ nhà Thiền cũng được trình bày cặn kẽ. Chúng ta không mất thời gian và tâm huyết để tìm hiểu một công án như các thiền khách thuở xưa. Nhưng vì quá dễ dàng hiểu được vấn đề, nên cái hiểu của chúng ta không sâu sắc, không gây ấn tượng mạnh, do vậy dễ lãng quên và dễ xem thường. Và cũng vì hiểu dễ nên tưởng tu cũng dễ, mới có một chút kết quả đã cho là đủ, mặc tình nói năng hành động buông lung, không biết đó là nhân địa ngục.



Người tu chúng ta, mong thực hiện sự chuyển hóa tự thân để có sự bình an nội tâm, rồi trang trải sự bình an ấy cho người khác, với mục đích tối hậu là cả mình và người đều giác ngộ và giải thoát. Nhưng đường tu lại quá dài, đầy dẫy chông gai thử thách, nếu không trang bị đầy đủ tư lương thì khó lòng đến được điểm cuối.

I. Những điều kiện cần cho một hành giả tu thiền
Sau đây là những điều kiện cần cho một hành giả tu Thiền, xem như một số tư lương trong hành trang thiên lý ấy:

1. Tâm thiết tha cầu đạo:
Tiền thân Đức Phật Thích Ca, lúc còn là một vị Đại tiên, vì muốn cầu nghe chánh pháp mà lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực để viết bài kệ mới học được, theo điều kiện của một vị Bà-la-môn. Một tiền kiếp khác của Ngài là Thái tử Đàm-Ma-La-Kiềm, con vua Phạm Thiên ở Châu Diêm-Phù-Đề. Đối trước Pháp sư, Ngài đào hố sâu mười trượng, đốt than nóng rồi nhảy vào hố, mới được Pháp sư nói cho nghe một bài kệ về hạnh Bồ-tát. Những gương cầu pháp quên thân của Đức Phật, chúng ta khó thể bắt chước. Gần hơn, trong thiền sử kể rất nhiều câu chuyện các thiền khách quảy gói du phương, tìm thầy học đạo. Ngày xưa, những bậc đã chứng ngộ thường ở trên núi cao, đường đi gian nan vất vả, làm gì có phương tiện giao thông thuận lợi như bây giờ. Vậy mà các thiền khách đâu nề khó nhọc xa xôi, chỉ cốt sáng được lý đạo, vì biết rõ Phật pháp rất khó gặp, trăm ngàn muôn kiếp chưa chắc đã được nghe.

Người học đạo chúng ta phải xem Phật pháp là cao quý bậc nhất, không có gì sánh được. Nếu có duyên được gặp, phải biết đây là cơ hội hy hữu ngàn năm chỉ một lần. Khổng tử, người được tôn xưng là "Vạn thế sư biểu" (Bậc thầy của muôn đời) mà còn có tâm cầu đạo thiết tha như thế này: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ" (Sáng được nghe đạo, chiều chết cũng cam lòng); còn chúng ta là phàm nhân, lòng thành đối với đạo được đến đâu?

Khi nghe pháp, chúng ta cần có lòng trân trọng và biết ơn, như tâm trạng của người bị đắm tàu giữa biển, nhờ pháp như chiếc phao đưa mình vào bờ. Một lần nào đó trong đời, khi nghe giảng hay đọc một đoạn kinh mà tâm ta chấn động, phải biết hạt giống Phật đã gieo vào đất tâm của ta. Dù trải qua bao nhiêu lần sanh tử, hạt giống ấy vẫn không bao giờ mất. Đến lúc gặp thuận duyên, hạt giống sẽ nẩy mầm. Luôn mang mặc cảm mình nghiệp chướng sâu dày, hoặc ngược lại, tự cao cho mình bình đẳng với chư Phật rồi không cần học không cần tu, đó là hai cực đoan phải tránh. Người hiểu đạo lúc nào cũng hạ mình cầu thị, luôn khiêm cung tìm học chánh pháp, sau đó áp dụng vào công phu.

2. Ý chí
Thiền tông không chủ trương mong cầu sự giúp đỡ bên ngoài, dù là của ai. Mỗi người phải tự nỗ lực hành trì để trực tiếp kinh nghiệm, khi đi sâu vào vùng đất muôn đời bí mật của bản tâm. Điều này không ai có thể làm thay cho mình, kể cả Đức Phật đại từ đại bi và đầy đủ thần thông diệu dụng. Vì thế, ý chí là điều kiện tối cần để Thiền giả tiến bộ trong đạo nghiệp, thăng hoa trong sự tu hành. Ý chí như đôi chân, không có chân thì không thể đi được.

Tinh thần tự lực của nhà Thiền trung thành với lời dạy "tự thắp đuốc lên mà đi" của Đức Phật. Khi con còn nhỏ dại, chưa đủ điều kiện thể chất và trí tuệ, phải nương nhờ cha mẹ nuôi dưỡng. Đứa con nào có thể tự quyết định cuộc đời nó, tự biết tạo sinh kế cho nó, đứa con ấy đã trưởng thành và đáng tin cậy. Trong tình Thầy trò, người Thầy cũng chỉ nâng đỡ dạy dỗ học trò một thời gian thôi, sau đó để tự trò đảm đương và đối phó với mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc đời, người trò ấy mới vươn lên được.

Đối với những người mới vào đạo, Đức Phật cũng dùng tha lực như một phương tiện khuyến tu; nhưng giai đoạn sau, Ngài luôn đề cao tinh thần tự lực. Ví như, phàm phu chúng ta còn vọng tưởng lăng xăng (đa niệm), nên Ngài dạy chúng ta niệm lục tự Di-Đà để tâm chuyên chú vào câu niệm Phật. Đây là phương tiện nhiếp tâm, để tâm trở về nhất niệm. Nhưng sau đó Ngài nhấn mạnh: Khi niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, lúc mạng chung sẽ thấy Phật Di Đà và chư Thánh chúng hiện đến tiếp dẫn. "Nhất tâm bất loạn"  của Tịnh-Độ tông có khác gì "vô tâm vô niệm" của Thiền tông; giai đoạn cuối cùng là Phật tự tâm hiện bày, cũng chính là Đức Di-Đà tự tánh, có gì khác biệt?

Một số người hiểu lầm câu: "Đới nghiệp vãng sanh", cho là phàm phu tuy còn mang nghiệp, nếu biết niệm Phật Di-Đà thì lúc chết cũng được vãng sanh về Tây phương. Thật ra, các bậc Bồ-tát Thập địa vẫn còn nghiệp vi tế, chính các bậc ấy mới có thể mang nghiệp vãng sanh. Kinh Di-Đà có đoạn: "Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc". Nếu chỉ có công phu tu hành đôi chút, không thúc liễm thân tâm, tự do tạo tội, gieo một ít căn lành như câu niệm Phật mà có thể về Cực-lạc, hóa ra lý nhân quả không còn là chân lý tuyệt đối nữa sao? Cho nên, dù tu theo pháp môn nào, tự mình cũng phải nỗ lực tiến tu chứ không thể cầu xin Phật Bồ-tát hoàn toàn làm thay cho mình. Các Ngài có thể gia bị một phần, khi tâm chúng ta thanh tịnh, phần nào tương ưng với tâm các Ngài, mới mong lời nguyện cầu của mình có cảm ứng.

Ý chí của Thiền giả còn phải được hỗ trợ bằng tâm kiên cố và trường viễn. Tâm kiên cố là giữ lòng mình vững chắc không đổi thay, không dao động trước mọi chướng ngại thử thách, chỉ một bề tiến tu theo phương pháp mình đã thực hành có kết quả. Tâm trường viễn là giữ lập trường từ đầu đến cuối, không do dự, không thối lui. Chúng ta từng nghe bài kệ của Tổ Hoàng-Bá, thường được truyền tụng trong nhà thiền:

    Trần lao quýnh thoát sự phi thường
    Hệ bã thằng đầu tố nhất trường
    Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
    Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
    Dịch:
    Vượt khỏi trần lao việc phi thường
    Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
    Chẳng phải một phen xương thấm lạnh
    Hoa mai há dễ ngửi mùi hương.

3. Niềm tin
Niềm tin của một hành giả tu Thiền có phần đặc biệt: Tin rằng mình có sẵn bản tâm chân thật trong thân ngũ uẩn hư giả này. Đó là bộ mặt xưa nay không hề thay đổi, mà nếu nhận ra và hằng sống với nó, người tu sẽ đạt được mục đích tối hậu là giác ngộ và giải thoát, đồng với chư Phật mười phương. Có niềm tin mãnh liệt, hành giả càng vững mạnh về ý chí. Ý chíù và niềm tin liên hệ hỗ tương với nhau: Ý chí khiến hành giả gắng công tu hành, tu có kết quả làm tăng trưởng niềm tin; ngược lại, có niềm tin chắc chắn mình sẽ đến đích, hành giả như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí càng kiên định.

Niềm tin trong nhà Thiền không mang tính cách thần quyền mê tín, vì luôn có trạch pháp đi đầu. Phật dạy: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Đạo Phật là đạo trí tuệ, nên từ lúc bước chân vào đạo, chúng ta phải vận dụng chất xám để hiểu rõ lời Phật dạy, sau đó suy nghiệm xem lời dạy ấy có phải là chân lý không. Cuối cùng, khi phát khởi niềm tin, chúng ta mới gia công hành trì để một ngày nào đó, Trí vô sư bừng sáng. Như  vậy, tin mình có Phật tánh là Chánh tín, cũng là chánh nhơn tu hành (Tín nhơn). Có tín nhơn, lập tức có nguồn lực tạo nên quả đức, tức kết quả đời tu. Khi bí mật của pháp giới được phơi bày trọn vẹn, ta sẽ thấy sự vi diệu thù thắng của quả đức. Địa vị thấp nhất của Thanh Văn là Tu-Đà-Hoàn, phải kiến đạo mới khởi tu, cũng như trong Thiền tông, phải kiến tánh mới được xem như bắt đầu cuộc hành trình; vì như thế, hành giả không sợ sai lầm hay lạc vào ngã rẽ.

4. Nghi tình
Mới nghe qua, điều kiện này có vẻ mâu thuẫn với niềm tin: Đã tin sao lại còn nghi? - Đây là nét đặc thù của nhà Thiền. Theo nghĩa của năm triền cái (tham, sân, trạo cử, hôn trầm, nghi), sự nghi ngờ làm chướng ngại và ngăn che việc tu hành. Mối nghi ở đây không phải theo nghĩa ấy, mà là dồn hết tâm tư vào một vấn đề cốt tủy, và sống chết với nó. Víù dụ hành giả đặt câu hỏi: "Ai cũng có Phật tánh, sao ta nhận không ra ?". Câu hỏi này theo thời gian đúc kết thành khối (nghi đoàn), làm hành giả luôn luôn trăn trở khắc khoải (nghi niệm), thôi thúc hành giả nỗ lực giải quyết cho xong, quên tất cả những chuyện khác. Các Thiền sư thường dùng thủ thuật này dồn môn đệ vào chỗ bế tắc, nên khi được thưa hỏi, các Ngài chỉ trả lời bằng một câu không có ý nghĩa gì hết. Lúc khối nghi bùng vỡ, tự người môn đệ nhận ra toàn bộ lời giải đáp, và suốt đời không bao giờ quên. Những câu trả lời như thế được gọi là lời nói sinh động (hoạt ngữ); trái với lời giải đáp cặn kẽ rõ ràng, người học trò lúc ấy có thể hiểu ra, nhưng sau đó lại quên, nên gọi là tử ngữ.

Khai thị bằng nghi tình khác với khai thị bằng thuật tác động thẳng. Các vị Thiền sư tùy căn cơ và trình độ của môn đồ mà có những thủ thuật thích hợp. Đối với người có căn cơ đặc biệt, hiểu Thiền không qua trung gian ý thức suy luận mà bằng trực giác, các Ngài dùng cách chỉ thẳng để người ấy thấy toàn triệt vấn đề một cách chớp nhoáng. Đây là tinh thần "trực chỉ nhân tâm" thường được tán dương trong nhà Thiền, nhưng khó có người lãnh hội. Đối với người ưa suy luận phân tích, các Ngài dồn họ vào con đường bí cùng, tức khai thị bằng nghi tình. Thiền môn thường chú trọng đến kinh nghiệm thực chứng hơn là tri thức và nghĩa giải, vì người hiểu Thiền ở lĩnh vực thực chứng khác xa với người chỉ hiểu qua lý luận ngôn từ. Nhờ ý thức, con người có thể nhận định tư duy về nhiều vấn đề; nhưng sự hiểu biết này luôn luôn tương đối, phiến diện, không thể nào có cái nhìn xuyên suốt và thấu thể về bản chất của muôn pháp.

II. Kết luận
Con người luôn bị chi phối nhiễm ô theo hai phương diện: tình và lý. Nhiễm về tình là bị tham dục thô và tế lôi kéo, gây phiền não chướng. Nhiễm về lý tức vô minh, nhận định sai lầm về các pháp: vô thường cho là thường, vô ngã cho là có ngã thật, khổ cho là vui, bất tịnh cho là thanh tịnh. Không thấy lý như thật của các pháp là sở tri chướng. Các bậc Bồ-tát  ở quả vị Thập-nhất-địa đã cắt đứt sự ô nhiễm về tình, nhưng vẫn còn ẩn tàng ô nhiễm về lý, đến địa vị Diệu giác (Phật) mới hoàn toàn chấm dứt. Đức Phật gọi đó là "vi tế sở tri ngu". Bồ-tát mà còn như vậy, phàm phu chúng ta thì chướng ngại cỡ nào?

Lại nữa, tâm người thường biến đổi theo hai chiều: thuận và nghịch. Thấy một vật vừa ý, ta khởi lòng tham muốn chiếm lấy: đây là chiều thuận. Nếu ý muốn không được thỏa mãn, ta khởi tâm sân hận: đây là chiều nghịch. Thuận là tham, nghịch là sân. Khi đối duyên xúc cảnh, ta thấy biết rõ ràng mà không có một niệm phân biệt chia chẻ, đó là tâm bình thường. Ngài Nam-Tuyền định nghĩa: "Bình thường tâm thị đạo". Đạo là ngay ở tâm bình thường, chứ không ở một nơi nào xa xôi. Kinh Duy-Ma-Cật viết: "Trực tâm là đạo tràng" - Tiếp xúc với các pháp mà không khởi niệm, đó là trực tâm. Người có trực tâm thì ngay đương xứ là đạo tràng, ngay đó là giải thoát. Như vậy, người tu chúng ta học đạo ra sao, tu đạo thế nào để được giác ngộ và giải thoát như Đức Phật và chư vị Tổ sư? Đó là những điều chúng ta cần suy gẫm.

Một điều cần nhấn mạnh đối với các thiền giả, là chủ trương của nhà Thiền: Thứ nhất, phải nhận ra lẽ thật của các pháp là vô thường, là duyên sinh, nên chúng vốn là không, vì duyên hợp nên giả có. Đây là Bình-đẳng-tánh của tất cả các pháp. Thứ hai, phải nhận ra cái chân thường ngay trong vô thường, cái hằng hữu ngay nơi muôn pháp sinh diệt. Đó là Phật tánh, là chân tâm, là bản lai diện mục, ở Phật không thêm mà nơi phàm cũng chẳng bớt. Tu hành là trở về với con người thật xưa nay của chính mình, và giúp mọi người cùng nhận ra con người ấy; là biết phương cách và thực hành phương cách ấy để đạt mục đích cuối cùng. Ý nghĩa tu hành cao cả như vậy, nên Thái tử Sĩ-Đạt-Ta mới bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm đạo thành Phật Thích-Ca; Hoàng tử thứ ba con vua Hương-Chí ở Nam Ấn đi tu thành Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma; và vua Trần Nhân Tông hành hạnh đầu đà, trở thành Sơ Tổ Trúc-Lâm Yên-tử. Các Ngài tu trong tinh thần vô ngã vô vi nên được quả xuất thế. Chúng ta ngày nay tinh tấn tu hành, chuyên tâm làm nhiều Phật sự, nhưng lại có ý mong cầu kết quả, còn ý thức chấp ngã chấp pháp, nên chỉ tạo nghiệp lành, tạo phước đức hữu vi, chứ  chưa thể ra khỏi nhà tam giới.

Tóm lại, người tu Thiền nếu chỉ học trên lý thuyết mà không từng bước Thiền tập, thì không thể nào thẩm thấu được chất Thiền. Có thiền tập mới là thiền sinh, có thiền chứng mới là Thiền sư. Thời gian công phu lâu mau tùy căn cơ và sự cố gắng tinh cần của mỗi người. Sự tham lam và nóng vội muốn chứng ngộ nhanh chóng thường là chỗ sơ hở để ngoại đạo tà sư lừa gạt. Thời gian tu hành thật ra chỉ có tính cách ước lệ. Đối với người có thiên chất kỳ đặc, như Tổ Qui-Sơn ngộ đạo năm 23 tuổi, Sa-di Cao chỉ hơn 10 tuổi đã tỏ ngộ lý Thiền, Lục Tổ không biết chữ nhưng nghe câu kinh Kim Cang liền thấy được chỗ vào..., đó là những trường hợp ngoại lệ. Còn bao nhiêu người khổ công tu tập, mấy mươi năm hành khước, được nói đến rất nhiều trong hành trạng của các Thiền sư, là những gương sáng chúng ta cần rọi soi và suy nghiệm. Những điều trình bày trong quyển sách này không có ý giúp thêm kiến giải vốn đã quá dằng dặc miên man ở những người học đạo, càng không có ý làm rõ thêm những khái niệm về Thiền, mà chỉ mong tất cả chúng ta khéo lãnh hội để áp dụng vào công phu. Đức Phật có lần quở Ngài A-Nan: "Một người học huệ ngàn ngày không bằng một ngày học đạo. Người tu không học đạo thì một giọt nước cũng không tiêu". "Học huệ" là văn tư, là kiến giải sanh diệt. "Học đạo" là nhận ra bản tâm thanh tịnh hằng hữu của chính mình. Nếu không nhận được bản tâm, thì người tu không trả nổi - dù chỉ một giọt nước - của đàn na tín thí. Đa văn bậc nhất, thông minh bậc nhất trong mười đệ tử lớn của Phật mà còn bị quở trách nặng nề như thế, thử hỏi chúng ta, nếu chỉ dựa vào một ít kiến thức sách vở đã cho là đủ, không chịu gia công tu hành, thì liệu có đền trả được nợ áo cơm của đàn tín hay không?

(*)Kinh Đại Niết Bàn, tập 2 trang 479: "Này Thiện nam tử ! Về phương Tây cách cõi Ta-bà này bốn mươi hai hằng-hà-sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, những sự trang nghiêm xinh đẹp trong cõi đó đều bình đẳng, như cõi Cực Lạc, như cõi Mãn Nguyệt. Hiện tại Ta xuất hiện trong cõi Vô Thắng đó. Vì hóa độ chúng sanh nên Ta thị hiện chuyển pháp luân nơi Diêm Phù Đề này".

Thích Thông Huệ (Đạo Phật ngày nay)
Hãy biết trân trọng từng giây từng phút bạn đang sống!
Danh hiệu đặc biệt dành cho thành viên sáng lập

Từ khóa: Phật Giáo Thiền Tông