Lạy Phật


Cha mẹ và con cái qua cái nhìn nhân duyên

Bắt đầu bởi Minh Hạnh, 08/08/2014, 22:55

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

Minh Hạnh

08/08/2014, 22:55 Sửa lần cuối: 08/08/2014, 23:01 bởi Kungfu
Với cái nhìn của đức Phật, ân đức của cha mẹ rất lớn. Kinh Báo Ân nói: "Này thiện nam tử ! Cha có từ ân. Mẹ có bi ân. Bi ân của mẹ dù nói một kiếp cũng không thể hết. Ta nay vì ông chỉ nói ít phần. Giả như có người vì cầu phước đức, lấy chiên đàn trầm hương dựng lập phòng xá, dùng các báu trang nghiêm v.v... cung kính cúng dường cho một trăm đại Bà la môn tu tịnh hạnh, một trăm đại thần tiên có thần thông, một trăm thiện hữu v.v... nhất tâm cúng dường như thế mãn đến ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ. Công đức trước, dù có trăm ngàn vạn phần cũng không sánh được... cho nên các ông cần tăng tu hành hiếu dưỡng. Phước đức đó không khác người cúng dường Phật". Cúng dường hàng trăm, hàng ngàn các vị có giới đức thần thông trong ngàn kiếp không bằng một niệm hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ.

Công ơn cha mẹ như trời biển

Ân đức đầu tiên, là nhờ cái duyên cha mẹ ta mới có thân. Kế là "Cha mẹ nghĩ tưởng đến con không gì sánh được. Từ lúc thọ thai cho đến khi sinh, chịu nhiều khổ não không thể nào nói. Dù được bao thứ dục lạc, y phục, đồ ăn v.v... cũng đều một lòng nghĩ tưởng đến con. Khi còn trong thai, máu mẹ nuôi dưỡng các căn. Khi ra khỏi thai sữa mẹ nuôi dưỡng trăm ngàn vạn đấu...". Phật nói tóm lược. Mình mổ xẻ ra mới thấy công cha nghĩa mẹ đong mãi không đầy.



Đa phần con trẻ đều là hy vọng hạnh phúc của đấng sinh thành. Không thể tránh được lo lắng, đùm bọc, yêu thương. Chín tháng cưu mang nặng nhọc nôn ọe, có khi đau nhức khắp người. Tiết chế ăn uống, sinh hoạt v.v... những gì dù thứ mình thích nhưng hại cho con đều tự hạn chế. Sinh nở ít người không đau. "Khổ nạn trong đời không phải là ít, nhưng lần duy nhất tôi thấy kiếp người khổ nạn là khi sinh con đầu lòng. Đau đớn cùng cực. Nhưng không một niệm oán trách mới lạ". Con vui thì cha mẹ vui. Con đau, cha mẹ cũng đau. Tinh thần cho đến vật chất, cố gắng lo toan cho con đầy đủ. Gạo tiền cơm áo khi đau, khi ốm, khi ăn, khi học... khổ nhọc bao nhiêu cũng gắng cho tròn. Mười mấy năm trời lo toan mọi thứ không hề tính kể.

Con cái lớn rồi, đời sống con trẻ không yên, lòng cũng không yên. Ngay cả chết rồi, cũng vẫn theo đó không rời. "Cha mất khi tôi mười hai. Nhưng đến băm bảy, ngày tôi bỏ hết chuyện đời chuyên tâm cho việc tu hành một năm, ông mới báo mộng mình đi đầu thai, nét mặt chưa hết lo lắng. Trước đó, cái khoảng mấy chục năm trường, mỗi lần sắp có nạn tai, tôi đều thấy ông như một điềm báo để mà chuẩn bị...". Cái tình cha mẹ đối với con cái không thể nói hết. Thiên chức cha mẹ hình như vốn vậy. Không phải chỉ có con người, con vật yêu con không kém. Khi cần cũng dám liều thân. Ngày xưa ở nước Căng-già, có người phụ nữ ôm con lội sông. Nước lớn, ôm con không thể qua được, nhưng quyết không bỏ con trẻ mà sống cho mình. Cả hai cùng chết. Vì công đức đó bà sinh lên trời.



Lo toan, khổ nhọc, thương yêu, hy sinh, giáo dưỡng nên đức sinh thành trưởng dưỡng con cái rất là lớn lao. Dù công trưởng dưỡng không có thì công mang nặng đẻ đau cũng nặng hai vai. Phật khuyên phải gánh cho tròn. Phật nói gánh được thì phước ngang bằng phước cúng dường Phật.

Đức Phật dạy báo ân cha mẹ

Trong kinh Lễ Bái Sáu Phương, Phật dạy gia chủ tử Thi-ca-la-việt 5 cách phụng dưỡng cha mẹ: "Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ. Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ. Tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống. Tôi bảo vệ tài sản thừa tự. Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Này gia chủ tử! Con cái phụng dưỡng cha mẹ theo 5 cách như vậy".

1/ Được nuôi dưỡng, sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ: Đó là lẽ thường của luật Nhân quả. Song có khi mình thấy ít nhiều ngoại lệ, là do nhân quả chi phối ba thời. Nhưng dù không được nuôi dưỡng mà vẫn có tâm phụng dưỡng cha mẹ, là hạnh của hàng Bồ-tát. Là việc nên làm.

Thực tế hiện nay, có người không có khả năng nuôi dưỡng cha mẹ. Có khi cha mẹ còn phải nuôi lại. Song dù không có khả năng, vẫn phải có lòng chăm sóc, thăm hỏi. Tránh việc cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, vui chơi khiến cha mẹ buồn. Cha mẹ lo nghĩ buồn bực, chẳng may phát ra lời ác thì mình liền đọa.

2/ Làm bổn phận đối với cha mẹ: Bình thường thăm hỏi, thưa thỉnh, lo cơm, lo nước. Ốm đau thì lo chăm sóc thuốc thang. Tùy theo điều kiện của mình, lo cho cha mẹ sao cho tinh thần ông bà yên vui.

Kinh dạy: "Nếu nam nữ nào theo lời mẹ dạy vâng thuận không trái, chư thiên hộ niệm, phước lạc vô biên". Đó là cái quả mà một người con thuận thảo được hưởng. Nhưng nếu cha mẹ muốn con làm việc nghịch đạo thì sao? Việc này Phật cũng dặn dò: "Nếu cha mẹ khởi tà kiến thì nên giúp cha mẹ có chánh kiến. Nếu cha mẹ làm việc ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng đường thiện...". Việc này đòi hỏi người con phải có nhẫn lực, trí tuệ. Có trí mới biết việc nào dẫn đến quả xấu, việc nào đưa đến quả tốt mà tránh, mới biết khuyên ngăn khích lệ cha mẹ làm cho đúng pháp. Nhẫn lực giúp ta kiên trì khuyên ngăn cha mẹ không làm việc xấu mà không khiến ông bà buồn. Bởi thường thứ gì nghịch ý cũng khiến phát sinh buồn lòng. Ít ai hiểu rằng, đó là cách thương trí tuệ. Cho nên, cái khó là làm thế nào để cha mẹ hiểu, không buồn, mà việc gây nhân vẫn không xảy ra. Có định, có tuệ, có nguyện hồi hướng, ứng duyên liền có pháp dùng.

3/ Giữ gìn gia đình và truyền thống: Với anh chị em trong nhà thì đùm bộc thương yêu, không tính thiệt hơn. Với gia đình riêng của mình thì biết tạo dựng hạnh phúc, dạy con ngoan ngoãn, hiếu hạnh với cha mẹ mình. Cha mẹ nhất định an vui.

Giữ gìn truyền thống, là nghĩ những việc có thể ảnh hưởng đến cha mẹ mình, đến danh dòng tộc, không bao giờ làm. Không nên vì những ưa thích ham vui của mình, khiến người phỉ báng cười chê, làm mất danh dự cha mẹ. Nếu mình có tâm gìn giữ truyền thống gia đình thì có việc gì ảnh hưởng đến truyền thống đó, mình sẽ nhất quyết không làm. Phật dạy giữ gìn truyền thống, thì truyền thống đó nhất định không khiến ta gây ác nghiệp.

4/ Bảo vệ tài sản thừa tự: Vì dạy cho gia chủ tử nên có phần tài sản thừa tự này. Được thừa tự tài sản, là một trong các phước báu. Bảo vệ tài sản thừa tự chính là bảo vệ phước báu của mình. Tài sản cha mẹ để lại, nếu thấy phá tán, cha mẹ sẽ buồn. Vì thế, bảo vệ tài sản thừa tự giúp cha mẹ vui, cũng là phụng dưỡng cha mẹ ở mặt tinh thần.

Khiến cho tài sản đó được phát triển thì càng tốt nữa. Cần phát triển nó bằng hướng lương thiện. Không nên phát triển theo hướng cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy, á phiện v.v... Phát triển theo hướng như vậy là bán cái phước mà mua nạn tai.

Một cách bảo vệ tài sản thừa tự nữa là cúng dường Tam bảo, bố thí, giúp đỡ anh em, giòng tộc, người dưng nghèo khó, bệnh hoạn, lỡ thời. Vì nhân cúng dường bố thí sẽ giúp của cải sung túc hiện tại vững bền, công việc làm ăn thuận lợi, có ra liền vào.

5/ Làm tang lễ khi cha mẹ qua đời: Khi Di mẫu qua đời, đức Phật đã đích thân làm lễ cúng dường. Ngài dạy: "Cha mẹ sinh con, mang nhiều lợi ích cho con, ân trọng dưỡng nuôi, bú mớm ẳm bồng, cần phải báo ân. Không được không báo ân. Chư Thiên nên biết, chư Phật quá khứ, thân mẫu sinh thành đều diệt độ trước, chư Phật Thế Tôn đều tự cúng dường trà tỳ xá lợi. Giả như chư Phật Thế Tôn tương lai, thân mẫu sinh thành cũng diệt độ trước, chư Phật sẽ tự cúng dường. Do phương tiện này mà biết, Như Lai nên tự cúng dường cha mẹ, chẳng phải Trời, Rồng, Quỷ, Thần làm được". Cho nên, con cái đích thân làm lễ cúng dường cho đấng sinh thành, nhất định cần thiết cho việc báo hiếu.

Tang lễ, thì theo phong tục từng miền, nên tùy gia đình mà việc tổ chức tang lễ thấy có khác nhau. Nhưng dù tang lễ thế nào, vẫn có hai việc cần làm là "không sát sanh" và cần "bố thí cúng dường". Không nên giết trâu, heo, gà v.v... làm cỗ mời nhau như tục làng quê vẫn làm. Cũng không vung vãi đồ ăn thức uống phí phạm. Cúng được cỗ chay càng tốt. Bố thí, là thí cho người nghèo khó. Không của thì mang công sức giúp người, dùng đó hồi hướng. Lấy tiền phúng điếu đem tặng các viện mồ côi, dưỡng lão v.v... cũng là hình thức bố thí. Làm vậy, người chết được phước một phần, người sống sáu phần. Một công hai việc rất lành.

Phật tử, thì thêm tụng niệm, cúng dường Tăng chúng thanh tịnh, lấy đó hồi hướng. Cần tự đích thân làm lễ cúng dường. Không phải đưa tiền ra đó là xong, cần một tấm lòng. Tùy duyên mà làm cho hết sức mình.

Song việc bố thí muốn được thuận lòng người chết, kết quả nhờ đó được mỹ mãn hơn, thì khi cha mẹ còn sống, mình nên khuyến khích cha mẹ mở lòng san sẻ. Ít nhất là thấy bố thí, không tâm khó chịu mà nên hoan hỉ vui theo. Việc san sẻ này, không phải chỉ có đạo Phật mới khuyến khích làm, ngay cả Cao Đài, Thiên Chúa v.v... thảy đều khuyến khích. Bởi vì cái quả của nó mang lại phước báu vô kể.

Đó là 5 việc mà Phật dạy cho Thi-ca-la-việt phụng dưỡng cha mẹ. Chỉ cần đủ các điều kiện như ông thì cứ theo đó mà làm. Không đủ thì tùy căn nghiệp mỗi người hiện đời mà có gia giảm, miễn làm hết sức hết lòng là được.

Một cách báo hiếu trọng lượng hơn nữa là giúp cha mẹ "qui y Tam bảo, có lòng tin kiên cố đối với Tam bảo. Có lòng tin hiểu đối với 4 thứ Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu". Giúp cho cha mẹ kiên cố lòng tin và chịu qui y Tam bảo còn tương đối dễ. Có đủ lòng tin đối với Tứ đế, thành tựu tín, giới, đa văn... thì không phải dễ. Bản thân nếu không có sự hiểu biết, giữ giới, tu tập sâu sắc thì không thể làm điều đó. Đức Phật đã làm như thế đền ơn Di mẫu. Phụng dưỡng cha mẹ như thế nhất định hơn hẳn cách thức mà Phật đã dạy cho chàng Thi-ca-la-việt. Bởi vì báo hiếu như thế mới thật giúp cho cha mẹ có đủ chánh kiến, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, không đi lầm đường, luôn được an vui hạnh phúc trong cõi vô thường tạm bợ. Nhờ có chánh kiến, cha mẹ mới biết tạo dựng phước báu. Nhờ có phước báu, con cái trả ân mới nhận lãnh được. Không thì dù cho con cái có lòng, cũng không đủ duyên mà nhận.

Với hàng Bồ-tát tu Bồ-tát hạnh, Phật dạy: "Này Thiện nam tử! Để cầu bồ-đề có 3 loại ba-la-mật: 1/Bố thí ba-la-mật. 2/Thân cận ba-la-mật. 3/Chân thật ba-la mật. Nếu có người phát tâm bồ đề vô thượng, dùng bảy báu đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới thí cho vô lượng chúng sinh bần khổ, đó chính là Bố-thí ba-la-mật. Nếu người phát đại bi tâm, vì cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, dùng vợ con mình bố thí tâm không lẫn tiếc. Tay, chân, đầu, não v.v... đều theo sở cầu của người mà thí, chính là Thân cận ba-la-mật. Còn người khởi tâm bồ-đề vô thượng, trụ vô sở đắc, khuyên các chúng sinh đồng phát tâm này, dùng một bài kệ bốn câu nói pháp chân thật thí cho chúng sinh, khiến họ qui hướng chánh giác vô thượng, đó là Chân thật ba-la-mật. Hai bố thí trước, chưa gọi là báo ân. Tu Chân thật ba-la-mật mới gọi là chân thật báo ân". Sống được với tâm chân thật, cúng dường pháp bảo giúp cho chúng sinh hành thiện, qui hướng Tam bảo, phát bồ-đề tâm... mới là chân thật báo ân.

Phật dạy nhiều cách báo ân, là do căn nghiệp chúng sinh không đồng. Tùy lực tùy phần, hợp với pháp nào làm theo pháp đó. Có làm, làm cho đầy đủ là được. Kị nhất là chê việc dễ cho là báo ân không trọn mà pháp thâm sâu thì không đụng tới vì nói khó làm.

Chân Hiền Tâm (theo Thư viện Hoa Sen)
Hãy biết trân trọng từng giây từng phút bạn đang sống!
Danh hiệu đặc biệt dành cho thành viên sáng lập

Từ khóa: Báo Ân Cha Mẹ 

Bài viết liên quan