Lạy Phật

Phật Giáo là gì?


Giáo lý của Đức Phật: Sau khi thành đạo và trong bốn mươi năm kế tiếp, Đức Phật dạy một đạo lý mà khi tinh tấn làm theo, mọi người không phân biệt nam nữ, chủng tộc hay giai cấp, đều cũng sẽ đạt đến giác ngộ viên mãn như ngài. Những giáo lý được gọi là "Dhamma", có nghĩa là thật tánh của vạn vật hay sự thật ở bên dưới sự hiện hữu của mọi vật. Bài viết này không thể trình bày cặn kẽ tất cả những giáo lý của Đức Phật nhưng bảy đề mục sau đây sẽ cung cấp chúng ta một cái nhìn bao quát về những gì Phật đã dạy.

1. Cách tìm hiểu chân lý:
Đức Phật mạnh mẽ cảnh cáo chúng ta không nên tin vào một điều gì một cách mù quáng, và ngài khuyến khích cách tìm hiểu sự thật một cách chân xác. Ngài cho thấy sự nguy hiểm của việc thiết lập niềm tin chỉ dựa trên những điều sau đây: nghe nói lại, truyền thống, tập tục, vì nhiều người nói điều đó, thẩm quyền của kinh sách cổ truyền, lời của một đấng siêu nhiên, do tin vào các vị thầy, các vị trưởng thượng và các vị Thầy thân cận của mình. Thay vì chỉ tin theo những điều này, mọi người nên giữ cho tâm trí của mình phóng khoáng và khảo sát kinh nghiệm đời sống của chính mình. Khi tự mình nhận thấy một giáo lý nào đó phù hợp với kinh nghiệm của bản thân và giáo lý đó đưa đến an lạc cho mình và cho mọi người, chỉ khi đó chúng ta mới chấp nhận và tin theo giáo lý đó.



Tất nhiên nguyên tắc này cũng ứng dụng cho những giáo lý của Đức Phật. Chúng ta nên khảo sát giáo lý này qua sự sáng suốt của tâm trí vốn phát sinh trong khi thực hành thiền quán. Khi việc hành thiền đã thuần thục hơn, chúng ta sẽ tự xét những giáo lý này với trí minh sát của mình, và chỉ khi đó những giáo lý này mới trở thành chân lý giải thoát của chúng ta.

Người tìm hiểu đạo pháp cần phải có đức tính khoan dung. Khoan dung không có nghĩa là tin nhận tất cả mọi ý kiến hay quan điểm, mà có nghĩa không giận hờn hay ghét bỏ những điều gì mình không chấp nhận. Về sau, trên lộ trình học đạo, những gì mà lúc ban đầu chúng ta không đồng ý có thể được coi là sự thật. Vậy trong tinh thần tìm hiểu sự khoan dung, tiếp theo đây là một số giáo lý căn bản của Đức Phật.

2. Tứ Diệu Đế: Giáo lý chính yếu của Đức Phật không nhắm vào việc lý luận về một thượng đế, đấng sáng tạo hay nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, giáo lý đó cũng không nhắm đến việc đạt tới một cõi trời vĩnh hằng. Giáo lý này nói ngay đến thực tại đau khổ của con người và sự cấp thiết phải tìm ra con đường giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi hình thức đau khổ. Đức Phật đưa ra tỉ dụ về một người bị trúng một mũi tên tẩm thuốc độc mà trước khi được cứu chữa lại muốn biết ai đã bắn mũi tên đó, người bắn ở đâu và thuộc giai cấp nào, đã dùng loại cung nào, mũi tên đã được làm bằng chất liệu gì v.v.. Người bị trúng tên này chắc chắn sẽ chết trước khi những câu hỏi của mình được trả lời. Cũng giống như vậy, Đức Phật dạy rằng việc làm cần thiết và cấp thời nhất của chúng ta là tìm sự giải thoát khỏi đau khổ hiện tại, để không còn phiền não và đạt được an lạc. Việc lý luận triết học chỉ có tầm quan trọng thứ yếu và tốt nhất nên để lại cho đến khi chúng ta đã tu tập tâm trí tới trình độ có khả năng khảo sát vấn đề một cách rõ ràng và tự trông thấy sự thật cho chính mình. Vậy giáo lý trung tâm của Đức Phật mà tất cả những giáo lý xoay xung quanh là Tứ Diệu Đế hay bốn sự thật cao quý.

a/ Khổ đế: Hết thảy chúng sinh, đều phải chịu đủ loại khổ đau, sợ hãi và thất vọng. Đời sống là một sự đau khổ của sinh, lão, bệnh và chết.

b/ Tập đế: Nguyên nhân đưa đến đau khổ là tham muốn lạc thú, vật chất. Tham muốn được nuôi dưỡng bằng những điều thích và không thích, được thúc đẩy bởi ảo tưởng "ta" và "cái của ta" vốn phát sinh từ sự không hiểu hết tính chất chân thật của thực tại đời sống.

c/ Diệt đế: Đau khổ sẽ được chấm dứt khi không còn tham muốn. Đau khổ kết thúc trong chứng nghiệm giác ngộ. Đây là sự đạt giác ngộ hay Niết bàn giải thoát. Giác ngộ là buông bỏ hoàn toàn ảo tưởng về một tự ngã hay linh hồn có tính chất độc lập và thường tồn. Người giác ngộ được gọi là A La Hán (Arahant).

d/ Đạo đế: Sự giác ngộ an lạc đạt được bằng cách áp dụng một pháp tu, đó là Bát Chánh Đạo. Người ta sẽ sai lầm khi gọi giáo lý này là bi quan mà đúng hơn là Phật giáo rất thực tế ở chỗ đối diện thẳng thắn với sự thật đau khổ của cuộc đời, và Phật giáo lạc quan ở chỗ chỉ cho mọi người thấy sự chấm dứt đau khổ, đó là niết bàn, là sự giải thoát ngay trong kiếp sống này. Những người đã đạt được sự an lạc tối hậu này là những tấm gương gây cảm hứng cho ta thấy một cách xác quyết rằng Phật Giáo không bi quan một chút nào cả, mà là một đạo pháp dẫn tới phúc lạc đích thực.

3. Trung Đạo hay Bát Chánh Đạo: Con đường dẫn tới giải thoát khổ đau được gọi là Trung Đạo vì nó tránh hai cực đoan, đó là hưởng thụ lạc thú vật chất và ép xác khổ hạnh. Chỉ khi nào thân thể được thoải mái với những tiện nghi hợp lý mà không hưởng thụ những lạc thú vật chất một cách quá đáng, thì tâm trí mới có sự trong sáng và khỏe mạnh để hành thiền và chứng ngộ chân lý. Pháp tu Trung Đạo là siêng năng vun bồi đức hạnh, hành thiền, và đạt đến trí tuệ, là những pháp tu được giải thích chi tiết trong Bát Chánh Đạo, đó là tám điều chánh đưa đến an lạc và giác ngộ: bao gồm: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng là trau dồi đức hạnh. Đối với Phật tử tại gia thì cố gắng giữ năm giới:

- Không giết người hay các loài sinh linh khác;
- Không cố ý lấy tiền bạc và tài sản của người khác;
- Không tà dâm;
- Không nói dối, nói lời độc ác, nói lời thêu dệt và nói lời hai lưỡi;
- Không uống rượu hay các chất ma túy, là những thứ làm suy yếu sự chánh niệm và ý thức về đạo đức.
Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, là nói đến việc hành thiền vốn có tính cách thanh lọc tâm trí qua chứng nghiệm trạng thái an tĩnh nội tâm và hành thiền còn có tích cách tăng cường cho tâm trí thông hiểu ý nghĩa của đời sống. Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là sự hiển lộ của Phật trí, chấm dứt mọi khổ đau, chuyển hóa bản thân và đạt được sự an lạc bất biến cùng với từ bi vô lượng.

4. Nghiệp báo: Tiếng Phạn gọi là "Karma" có nghĩa là "nghiệp" hay hành động, ở đây muốn nói đến luật nhân quả nghiệp báo. Theo luật này thì có những hậu quả không thể trốn tránh được một khi chính mình đã hành động. Nghiệp được phát sinh qua thân, miệng và ý, làm tổn thương cho mình, cho người khác hay cả hai, đó được gọi "ác nghiệp", nghiệp phát xuất từ động lực tham lam, sân hận và si mê, và mang lại nghiệp quả đau khổ người tạo, chúng ta nên tránh tạo những loại nghiệp này. Ngược lại, những hành động qua thân, miệng và ý, đưa đến kết quả an vui cho mình, cho người hoặc cả hai, những hành động như vậy gọi là "thiện nghiệp", có động lực từ lòng từ bi, trí tuệ, và vì chúng mang lại kết quả an lạc hạnh phúc, chúng ta nên tạo những nghiệp như thế này càng nhiều càng tốt.

Những gì con người trải qua trong đời sống này là hậu quả của những nghiệp báo mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Khi những điều bất trắc xảy ra, thay vì buộc tội hay bắt lỗi người khác, người ta có thể nhìn thấy những lỗi lầm này từ những hành vi quá khứ của chính mình. Nếu nhìn thấy được quả báo như thế, sẽ làm cho ta có ý thức hơn trong những sinh hoạt hiện tại và tương lai của mình. Khi hạnh phúc xuất hiện, thay vì xem nó như một sự kiện tự nhiên, người ta có thể nhìn thấy điều tốt đó phát xuất từ những thiện nghiệp trong quá khứ. Nếu có thể nhìn thấy thiện nghiệp và hưởng thọ kết quả tốt trong đời này, sẽ khuyến khích người ta tạo nhiều nghiệp tốt hơn nữa trong tương lai.

Đức Phật nói rằng không có một chúng sinh nào có thể ngăn cản hoặc trốn chạy khỏi quả báo một khi nghiệp đã được tạo. Khi học được chân lý rằng nhân nào quả nấy, gieo gió gặt bão, đem niềm vui cho người, mình sẽ được hạnh phúc, gây khổ đau cho người, mình sẽ chịu sự bất hạnh; sẽ giúp cho người ta không tiếp tục làm điều ác trong mọi hình thức và cố gắng làm mọi việc lành như bố thí, trì giới, niệm Phật, thiền định... Dù không thể tránh được nghiệp quả xấu đã tạo, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu sự nghiêm trọng của quả báo; một muỗng muối pha trong một ly nước có thể làm cho ly nước rất mặn, trong khi một muỗng muối pha trong một hồ nước sẽ khó thay đổi được vị của nước. Tương tự, quả báo từ nghiệp ác của một người chưa có thói quen làm việc thiện, họ sẽ chịu đau khổ nhiều ở tương lai, trong khi quả báo từ nghiệp xấu đó ở một người có thói quen tu nhơn tích đức sẽ gặp quả khổ ít hơn hoặc quả khổ sẽ tan biến mất. Như vậy luật nhân quả tự nhiên này đã trở thành động lực và lý do chính đáng giúp cho con người tu luyện đạo đức và phát triển tình thương vô điều kiện trong xã hội của chúng ta.

5. Luân hồi: Đức Phật đã nhớ rõ nhiều kiếp trước của ngài. Ngay cả ngày nay nhiều tu sĩ Phật Giáo và cư sĩ tại gia cũng có khả năng nhớ kiếp trước của mình. Ký ức mạnh mẽ như vậy là kết quả của việc hành thiền sâu xa. Đối với những người nhớ lại kiếp trước của mình, luân hồi hay sự tái sinh nhiều kiếp đã trở thành một sự kiện được xác lập, đặt đời sống này trong một quan điểm đầy ý nghĩa.

Luật nhân quả chỉ có thể được hiểu trong khuôn khổ sự kiện người ta trải qua nhiều kiếp sống liên tiếp, vì có những khi phải mất một thời gian dài như vậy để một hành động sản sinh nghiệp quả. Do những nghiệp tốt trong đời sống như bố thí, từ bi, giữ giới, đức hạnh và giúp đỡ người khác, người ta có thể có sự tái sinh thuận lợi trong kiếp sau. Như vậy không có nghĩa là người ta sẽ tái sinh trong một gia đình giàu có hay được sức khỏe tốt, nhưng có thể sinh ra trong một hoàn cảnh mà nhu cầu vật chất được cung ứng đầy đủ và thuận lợi cho việc được biết tới giáo pháp, thực hành tu tập và đạt đến niết bàn an lạc. Người ta có thể sinh ra trong một gia đình có nghề nghiệp không tốt, có thể bị lôi cuốn vào môi trường xấu này và không được biết đến hay không thực hành giáo pháp.

Nhiều người trẻ tuổi thuộc những gia đình giàu có đã nghiện ma túy và nhiều điều không tốt, hủy hoại đời sống của mình, trong khi có những người trẻ thuộc những gia đình bình thường được nuôi dạy trong tình thương, sự chăm sóc và sự hướng dẫn đúng đắn trở thành những người trưởng thành lương thiện và có ích cho xã hội. Do thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ mà họ được sinh ra trong những gia đình tốt. Ngược lại, việc sinh ra trong những gia đình rất giàu có có thể là một chướng ngại cho việc tu tập tự phát triển trong Chánh Pháp. Với thiện nghiệp đã tạo trong kiếp trước, đã có nhiều trường hợp người ta rời khỏi gia đình giàu có của mình để sống đời tu hành. Vì vậy sự kiện sinh ra trong một gia đình giàu có hay nghèo nàn, sinh ra có sức khỏe hay đau bệnh, không phải là những điều chính yếu nói lên những nghiệp quá khứ, mà điều quan trọng hơn là người ta có gặp được Chánh pháp hay không, có được nghe nói tới, thực hành và chứng nghiệm Giáo pháp và đạt được niết bàn an lạc hay không.

Sự tái sinh không chỉ diễn ra trong cõi người. Đức Phật dạy rằng cõi người chỉ là một trong những cõi giới khác nhau mà thôi. Có đến 28 cõi trời khác nhau và có nhiều cõi giới thấp hơn và khắc nghiệt hơn cõi người, như cõi thú và cõi ma quỷ. Không những chúng ta có thể đi đầu thai vào bất cứ cõi nào ở kiếp sau mà có thể chúng ta đã tái sinh qua lại trong nhiều cõi giới đó rồi trong quá khứ. Điều này giải đáp một quan điểm phản đối thông thường chống lại thuyết luân hồi: "làm gì có sự tái sinh trong khi ngày nay dân số trên thế giới nhiều gấp mười lần con số của một thế kỷ trước?". Câu trả lời là những người đang sống trên thế giới ngày nay đã tái sinh về từ nhiều cõi giới khác nhau.

Khi biết rằng người ta đã qua lại những cõi giới khác nhau, chúng ta sẽ tôn trọng hơn và từ bi hơn với các sinh linh trong cõi đó. Thí dụ người ta sẽ không làm tổn hại các loài vật khác khi đã nhìn thấy rõ ràng mối liên hệ luân hồi giữa loài thú và loài người.

6. Không có Đấng sáng thế: Đức Phật đã từng nói rằng không có Thượng Đế cũng như không một ai có quyền can thiệp vào sự vận hành của nghiệp quả của chúng ta. Vì vậy, Phật Giáo dạy người ta nhận trách nhiệm đầy đủ cho chính mình. Thí dụ, nếu muốn giàu có, hãy bố thí, tín nhiệm và chăm chỉ làm việc, và nếu muốn thác sinh về cõi trời, hãy luôn luôn tử tế với người khác và thực hành mười điều thiện (không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói lời thêu dệt, không nói lời độc ác, không nói lời hai lưỡi, không tham lam, không sân hận và không si mê). Không có Thượng Đế nào để cầu xin được ban ơn, hay nói một cách khác, không thể có sự mua chuộc hoặc can thiệp nào trong sự vận hành của luật nhân quả.

Tín đồ Phật Giáo có tin rằng có một Đấng Tối Cao sáng tạo vũ trụ hay không? Trước hết, người Phật tử sẽ hỏi rằng bạn nói tới loại vũ trụ nào. Từ khi có tiếng nổ lớn khai sinh ra vũ trụ cho đến bây giờ, vũ trụ của chúng ta chỉ có là một trong vô số vũ trụ trong cái nhìn của Phật Giáo về vũ trụ quan. Khi một chu kỳ của vũ trụ chấm dứt thì một chu kỳ khác bắt đầu, cứ như thế mãi, theo quy luật tự nhiên và không có lúc khởi đầu nào có thể được tìm thấy. Qua quá trình đó, một Đấng Sáng thế là thừa và là không cần thiết.

Không có một sinh linh nào được xem là Đấng Cứu Rỗi Tối Cao, vì các vị thần, các vị trời, các loài thú và tất cả các loài chúng sinh khác đều bị lệ thuộc vào luật nhân quả. Ngay cả Đức Phật cũng không có quyền để cứu vớt ai, mà ngài chỉ người dẫn đường, đưa ra chân lý để giúp người tìm lối thoát. Mỗi người phải nhận trách nhiệm cho hạnh phúc tương lai của đời mình, còn nếu giao phó trách nhiệm này cho người khác thì đó là một điều tai hại.

7. Ảo tưởng về "linh hồn": Đức Phật dạy rằng không có " linh hồn" nào cả, không có phần bên trong cốt yếu và thường tồn nào của một chúng sinh. Cái mà ta gọi là "sinh vật", dù là người hay một loài nào khác, có thể được xem là sự kết tụ tạm thời của nhiều thành phần và cùng hoạt động, khi đầy đủ nó được gọi là "sinh vật", nhưng khi những thành phần đó tách rời nhau và những hoạt động đó ngừng lại thì nó không được gọi là " sinh vật" nữa. Giống như một cái máy vi tính được ráp với nhiều bộ phận để hoạt động, chỉ khi được ráp xong và làm những công việc hoà hợp với nhau, nó mới được gọi là "máy vi tính", nhưng khi nó được tháo rời và những hoạt động ngừng lại thì nó không được gọi là "máy vi tính" nữa. Không có phần bên trong cố định và thường tồn nào mà chúng ta có thể thực sự gọi là "máy tính" cả, và giống như vậy, không có phần bên trong cốt yếu và thường tồn nào có thể được tìm thấy mà chúng ta có thể gọi là "linh hồn".

Không có "linh hồn" nhưng sự tái sinh hay luân hồi vẫn xảy ra. Hãy xét lại tỉ dụ này: trong một ngôi chùa, một cây nến đã cháy gần hết và sắp tàn. Một tu sĩ lấy một cây nến mới và châm lửa nó từ cây nến sắp tàn kia. Ngọn nến cũ tắt nhưng ngọn nến mới cháy sáng. Cái gì đã chuyển từ cây nến cũ sang cây nến mới? Chỉ có sự liên hệ nhân duyên chứ không có "vật" gì chuyển sang cả. Cũng giống như vậy, chỉ có sự liên hệ nhân duyên giữa kiếp trước và kiếp hiện tại của chúng ta chứ không có "linh hồn" nào chuyển sang cả.

Đức Phật nói rằng tà kiến về "linh hồn" là nguyên nhân của mọi đau khổ. Ảo tưởng "linh hồn" hiển lộ như "ta" (tự ngã), chức năng không thể ngăn cản được của tự ngã là điều khiển hay kiểm soát người khác. Những tự ngã lớn muốn điều khiển thế giới, những tự ngã trung bình có sức kiểm soát khung cảnh gia đình, cái nhà và nơi làm việc của mình, và tất cả những tự ngã đều cố gắng điều khiển cái mà họ xem là thân thể và tâm trí của mình. Sự điều khiển và kiểm soát như vậy biểu lộ những cảm xúc như thương và ghét, và hậu quả của nó là không có sự an tĩnh nội tâm cũng như hòa hợp ngoại cảnh. Chính tự ngã này tìm cách thủ đắc tài sản, khống chế người khác và khai thác môi trường. Việc làm của nó là tìm hạnh phúc cho mình nhưng nó là nguyên nhân làm phát sinh đau khổ. Nó muốn được thoả mãn nhưng chỉ thấy sự bất mãn. Sự đau khổ bám rễ sâu như vậy không thể chấm dứt trừ khi chúng ta siêng năng tu tập thiền định, trí tuệ phát sinh và nhận ra rằng ý tưởng "ta" và "của ta" chỉ là ảo ảnh, là cái không thật có.

Bảy đề mục trên là một phần trong những điều cốt yếu mà Đức Phật đã dạy. Bây giờ, để hoàn chỉnh bài viết trình bày sơ lược về Phật Giáo này, chúng ta xét coi những giáo lý này đã được thực hành như thế nào ngày nay.

Các tông phái Phật Giáo: Người ta có thể nói chỉ có một loại hình Phật Giáo và đó là bộ sưu tập lớn của những giáo lý mà nguyên thủy Đức Phật đã dạy. Những giáo lý này ở trong kinh điển tiếng Pali, những kinh sách cổ truyền của Phật Giáo Theravada, được chấp nhận rộng rãi như những cuốn sách cổ nhất và đáng tin cậy nhất ghi lại những lời dạy của Đức Phật.

Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sĩ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội Ấn đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Về sau, Chánh pháp đã có mặt ở khắp Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía Đông, phía Nam tới bờ sông Caodaveri, phía Tây tới bờ biển Á-rập, phía Bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật-đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka thuộc Vương Triều Maurya (thế kỷ thứ III trước TL), Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục.

Phật giáo nguyên thủy, xuất phát từ miền nam Ấn Độ, rồi được truyền sang Tích Lan, từ Tích Lan truyền qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào...Phật giáo tại các quốc gia này còn được gọi là Phật giáo Nam Truyền và Phật tử tụng Kinh bằng ngôn ngữ Pali. Phật Giáo phát triển từ miền Bắc Ấn Độ vượt qua dãy núi Hindu và sông Amua ở miền Trung Afghanistan, rồi vượt qua cao nguyên Pamia, vào Tân Cương Trung Quốc, từ đó đến Hà Tây, Trường An và Lạc Dương. Tiếp đó Phật giáo từ Trung Hoa truyền đến các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Và một con đường khác là từ Ấn Độ truyền sang Nepal, vượt qua dãy núi Hymalaya, vào Tây Tạng, rồi từ Tây Tạng truyền vào một số tỉnh lỵ của Trung Hoa và một số vùng thuộc bộ tộc Buryat của Mông Cổ và Xiberi. Phật Giáo trong các quốc phía bắc này tụng Kinh phần lớn bằng ngôn ngữ Sanskrit hoặc được dịch sang tiếng mẹ đẻ của họ.

Sự thích hợp của Phật Giáo ngày nay: Quả thật vậy, ngày nay Phật Giáo tiếp tục được chấp nhận mỗi lúc mỗi rộng rãi hơn ở nhiều xứ bên ngoài quê hương của mình. Qua sự chọn lựa cẩn thận của mình, nhiều người trên thế giới đang tin theo đạo lý hòa bình, từ bi và có trách nhiệm của Phật Giáo.

Giáo lý về luật nhân quả của Phật Giáo cống hiến cho mọi người một nền móng, lý do công bằng và vững chắc để sống một đời sống đạo đức. Người ta dễ hiểu tại sao một sự chấp nhận rộng rãi hơn luật nhân quả sẽ đưa bất cứ một quốc gia nào tiến tới một xã hội vững mạnh hơn, có ý thức hơn và đạo đức nhiều hơn.

Giáo lý về luân hồi đặt kiếp sống ngắn ngủi hiện tại của chúng ta vào một cái nhìn rộng lớn hơn, quan tâm nhiều hơn đến hai việc lớn của đời mình, đó là sống và chết, biết chuẩn bị cho cái chết tốt, chúng ta sẽ sống tốt. Sự hiểu biết về thuyết luân hồi giải trừ rất nhiều sự bi thảm và đau khổ xung quanh sự chết và chuyển sự chú tâm của chúng ta tới phẩm chất của đời sống hơn là chỉ chú ý đến độ dài của nó.

Ngay từ lúc đầu việc thực hành thiền quán đã là tâm điểm của Phật Giáo. Ngày nay, thiền quán càng ngày càng phổ thông khi sự lợi ích của nó đối với tâm linh và thể xác đã được chứng minh và được biết tới rộng rãi hơn trong xã hội. Khi sự căng thẳng, bức xúc được nhìn thấy là một nguyên nhân chính yếu đưa đến sự khổ đau cho con người, thì pháp tu thiền định trong đời sống hàng ngày lại càng trở nên được ưa chuộng.

Thế giới hôm nay quá nhỏ bé và đầy hiểm họa nếu chúng ta sống trong sân si và đơn độc, vì thế lòng bao dung và tinh thần từ bi rất quan trọng đế áp dụng. Những phẩm chất này của tâm, cốt yếu của hạnh phúc, chỉ được hình thành trong thiền định Phật giáo và thực hành tinh tấn trong đời sống hằng ngày.

Tha thứ, hoan hỷ, bất hại và từ bi là những "nhãn hiệu" nổi tiếng của Phật Giáo được ban tặng tự do rộng rãi cho chúng sinh kể cả loài thú, và quan trọng nhất là cho chính mình. Trong Phật Giáo không có chỗ cho mặc cảm tội lỗi hay sự tự ghét mình, biết lỗi thì sám hối, chấm dứt tạo nghiệp ác, cố gắng làm điều lành, để nghiệp được chuyển, nghiệp chuyển thì cuộc đời mình sẽ thay đổi và thăng hoa. 
Những giáo lý và những pháp thực hành này mang lại từ bi, an lạc và trí tuệ, vốn là những đặc tính của Phật Giáo trong hơn hai mươi lăm thế kỷ qua và rất cần thiết cho thế giới ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của Phật Giáo, không có một cuộc chiến nào được gây ra nhân danh bởi Phật Giáo. Tính chất hiền hòa và khoan dung này phát sinh từ một triết thuyết giác ngộ thâm diệu và khiến cho bức thông điệp của Đức Phật vượt không gian, thời gian và phù hợp một cách sống động với mọi thời đại.


Trích dịch từ " What is Buddhism ?", Ajahn Brahmavamso, Abbot of Bodhinyana Buddhist Monastery, Spiritual Director of the Buddhist Society of Western Australia, Perth, Australia, 2007

Nguyên tác Anh Ngữ: Venerable Ajahn Brahmavamso
Việt dịch:Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức ấn hành 2010

(Thư viện Hoa Sen)

16/01/2014, 21:47